Hơn một lần tôi đã viết, mỗi danh hiệu luôn đi kèm theo nhiều thị phi. Hầu như, trong bất cứ chương trình nào đó liên quan đến thi cử, từ trò chơi truyền hình, truyền hình thực tế cho đến siêu mẫu, hoa hậu, người đẹp… đều có những thông tin hậu trường khiến dư luận mệt mỏi.
Nếu thí sinh không tố cáo ban tổ chức, thì ban tổ chức cũng than phiền thí sinh. Nếu như thí sinh không dỗi hờn ban giám khảo, thì ban giám khảo cũng bóng gió xa gần thí sinh. Thậm chí, nếu không còn đối trọng nào để phát đi lời nói làm đau lòng nhau, thí sinh sẽ rủ nhau lên võ đài truyền thông tỉ thí.
Ai đó may mắn đoạt được danh hiệu, ai đó đủ tiềm lực kinh tế lẫn nhan sắc để có được ngôi hậu, ngôi vương… sẽ nhanh chóng rơi vào tầm ngắm của dư luận.
Có dư luận được chính đám đông tạo nên, có dư luận là do người có danh hiệu ban tặng.
1. Không có cách nào nhanh chóng nổi tiếng bằng việc có được một danh hiệu. Tối qua, trên sóng truyền hình, miệng mỉm cười, cổ thẳng đứng, mắt chớp chớp xúc động, nếu được vài giọt nước mắt hân hoan càng tốt… thì y như rằng, ngày mai đã trở thành người của công chúng.
Khi trở thành người của công chúng, đáng buồn là, họ bắt đầu quên nhiều thứ.
Gần như một trăm người đẹp thì có đến một trăm lẻ một người tâm sự rằng, họ sẽ mang danh hiệu, nhan sắc, vũ khí tinh thần để cứu rỗi những mảnh đời bất hạnh.
Thế nhưng, hàng trăm năm trước, tiền nhân đã đúc kết “Lời nói gió bay”. Và cho đến giờ, kết luận ấy vẫn không bị người đẹp làm cho biến chuyển.
Từ sự thất hứa, dư luận thành ra nghi ngờ tất cả. Đơn giản, không ai tin được người không giữ chữ tín.
Rồi những lùm xùm tiền tình đánh đổi trong các cuộc thi, càng khiến màu sắc của danh hiệu thêm phần u tối.
Cả chục năm gần đây, có hoa hậu nào sau khi đăng quang vẫn đạt được xuất học bổng tại Hàn Quốc, bảo vệ thành công bằng thạc sĩ loại giỏi như Hoa hậu Việt Nam 1988 Bùi Bích Phương?
2. Có cô bé nhà quê, trước cuộc thi người đẹp còn mang cả nét triền đê cỏ xanh mướt, khiến trái tim hàng triệu người thổn thức.
Thì ít lâu sau, đã mặt hoa da phấn, gần như thoát y gợi cảm chụp ảnh. Cô bé bảo, chụp ảnh làm từ thiện. Dư luận gật đầu, chặc lưỡi, thương cho người đẹp làm từ thiện quên mình.
Lại ít lâu sau nữa, vẫn trên thiếu dưới hở uốn éo trước ống kính của nhiếp ảnh gia. Lần này, vẫn là làm từ thiện. Dư luận thêm lần thương cảm, từ thiện luôn hết mình.
Lại ít lâu sau nữa, chuyện diễn ra không có gì thay đổi. Dư luận nhàm chán và phản ứng.
Như chó sói trong câu chuyện ngụ ngôn Cậu bé chăn cừu. Người ta chỉ bị lừa đến lần thứ ba thì buộc phải tỉnh ngộ.
Hơn nữa, có nhiều cách để làm từ thiện. Hiến thân không phải là cách được tán đồng.
Người đẹp cãi nhau trên trang nhật ký cá nhân, người đẹp chửi thề, người đẹp tán tỉnh đại gia... đã là chuyện không còn cá biệt. Thế nên, cụm từ “người đẹp – đại gia” được gắn vào miệng đám đông một cách bất đắc dĩ.
Ai đó khen, cô gái xinh quá. Ai đó lập tức bật lại, mày có phải là đại gia không.
Thời nào cũng vậy, gái sắc luôn cần có trai tài.
Thời này, trai tài đồng nghĩa với lắm tiền. Còn tiền sạch hay tiền bẩn, không quan trọng.
Có mấy hoa hậu học rộng, biết nhiều, thông thạo 5 ngoại ngữ như Hoa hậu Việt Nam 1990 Nguyễn Diệu Hoa
3. Người đẹp có thêm danh hiệu, như hổ thêm cánh, như rồng gặp mây, như cá gặp nước. Phút chốc mà cuộc sống biến chuyển.
Người đẹp có tri thức, sẽ coi đó là một cơ hội. Người đẹp ít tri thức, sẽ xem đó là một vận may. Người đẹp chỉ là người đẹp, đánh giá vương miện đi liền với cuộc sống giàu sang.
Vàng trang sức thì bao giờ giá bán cũng có kèm theo phần tính phí cho việc chế tác.
Danh hiệu đối với những người đẹp chỉ là người đẹp đều tương tự thế.
Một khi, danh hiệu được xem như là chất lượng của nhan sắc, thì những thị phi đi kèm là điều rất dễ hiểu.
Xưa, chạy xe hơi không cần quá xịn, là có thể rủ người đẹp đi ăn tối.
Nay, khi có danh hiệu, buộc phải là xe hơi hai cửa, không thì phải BMW, Mercedes, Audi…
Nghĩa là, người đẹp đã có giá hơn vì được đóng nhãn “ISO danh hiệu”.
Người đẹp, không phân biệt là nam hay nữ. Danh hiệu không quan tâm nữ hay nam.
Có nhiều cách để sở hữu một danh hiệu.
Nhưng chỉ có một cách để không làm hoen ố danh hiệu.
Trong hai cách ấy, chính người sở hữu danh hiệu phải lựa chọn. Không ai có thể giúp đỡ, không gì có thể biện minh.
Người đẹp có thể lấy danh hiệu lập lờ với dư luận trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, không ai lập lờ với số đông được mãi mãi.
Cái đẹp trong những trường hợp này, đã không cứu rỗi cả thế giới. Họa may, chỉ cứu rỗi được một cá nhân trong trạng thái hưng phấn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét