Hở... mới là sành điệu
Phương T, sinh viên năm thứ 2 Đại học Dân lập Đông Đô luôn tự hào về số đo lí tưởng của mình. Để phô diễn đường cong hoàn hảo ấy, T không ngại ngần chọn cho mình những bộ đồ bó sát cơ thể, vòng cổ khoét sâu như người mẫu. Mỗi lần T xuất hiện trên giảng đường hay tung tăng giữa sân trường cô đều gây sự chú ý cho mọi người, đặc biệt là các bạn nam. Khi được một số bạn gái trong lớp góp ý về cách ăn mặc T không những cho rằng các bạn “quê mùa”, “không biết thế nào là thời trang”, mà còn tiếp tục diện những bộ cánh gợi cảm khoe lưng, khoe ngực khiến mọi người chỉ biết lắc đầu…
Không cần khoe đường cong cơ thể, cũng chẳng cần đến những chiếc cổ áo khoét sâu, hay những chiếc áo ngắn cũn cỡn như Phương T, Hương G - sinh viên Đại học Ngân hàng lại chọn cho mình những chiếc áo được may bằng chất liệu voan, ren siêu mỏng với đủ loại màu sắc nhìn thấu cả nội y và khoe làn da trắng như sứ của mình. Hương G hồn nhiên: “Nhà trường không yêu cầu mặc đồng phục nên chúng em được thoải mái trong cách chọn lựa trang phục khi đến trường. Nhiều bạn sinh viên còn ăn mặc gợi cảm hơn em nhiều. Hơn nữa, em thấy chúng cũng đâu đến nỗi hở như mọi người nghĩ. Với lại muốn gợi cảm thì phải hở…”.
Không chỉ có sinh viên nữ mới có xu hướng mặc đồ “mát mẻ” mà nhiều sinh viên nam cũng thích thể hiện sự sáng tạo trong phong cách thời trang bằng cách khoác lên mình những trang phục cực kỳ “sành điệu”. Thích nghe thể loại nhạc Rap, Tuấn A, sinh viên năm thứ 3, trường Đại học Giao thông vận tải, “cậu ấm” của một đại gia nổi tiếng ở tỉnh Yên Bái có kiểu thời trang khác người. Tuấn A thích săn lùng những chiếc quần jean hàng hiệu đục lỗ nham nhở ở vùng đùi trên, thậm chí được xé rách te tua cùng những chiếc áo phông bó sát cơ thể để làm nổi bật khuôn ngực vạm vỡ của mình. Tuy nhiên, kiểu thời trang mà Tuấn A “kết” nhất là mặc những chiếc quần tụt quá mông, lộ cả nội y bên trong. Ngoài ra, để tăng thêm chất nam tính, Tuấn A không ngại ngần sắm cho mình những chiếc lắc tay và dây chuyền vàng hầm hố cho đúng chất dân chơi.
Tri thức quan trọng hơn
Trên các trang báo mạng những dòng tít gây sốc kiểu như: “Nữ sinh lộ hàng trong lớp”, hay “Nam sinh cũng ăn mặc hở hang”… xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều. Điều này cho thấy trào lưu “trang phục mát mẻ” ngày càng trở nên “nóng” hơn trên các giảng đường đại học. Bạn Lê Trung Đức, sinh viên Học viện Báo chí Tuyên truyền nhận xét: “Hiện nay các bạn sinh viên thể hiện cá tính của mình thoải mái quá. Khó có thể chấp nhận cách ăn mặc phản cảm của một số bạn…”. Trên một diễn đàn dành cho các bạn sinh viên, nickname mina đưa ra lời bình luận: “Là con gái mà mình còn “choáng” khi nhìn thấy các bạn nữ cùng trang lứa mặc những trang phục “mát mẻ” tới trường, huống hồ là thầy cô và các bạn khác giới”.
Cô giáo Nguyễn Thu Phương, nguyên giảng viên trường Đại học Hà Nội chia sẻ: “Với kinh nghiệm nhiều năm tiếp xúc với các bạn sinh viên, tôi khó có thể chấp nhận chuyện sinh viên ăn mặc quá hở hang, gợi cảm đến trường. Tuy nhiên, ở lứa tuổi này, các em thường thích thể hiện mình, nên điều quan trọng là nói để các em hiểu ăn mặc sao cho hợp với hoàn cảnh, với văn hoá truyền thống chứ không thể cấm đoán các em. Hơn nữa, nếu một sinh viên đến trường mà quá chú trọng đến việc thể hiện sự gợi cảm, gây ấn tượng với người khác thì sẽ không thể tiếp thu kiến thức được”.
Còn bà Lê Thị Tuý - Trung tâm Tuổi trẻ, hạnh phúc gia đình Việt Nam nhận xét: “Áo trong suốt, váy ngắn trên nửa đùi là những trang phục mà nhiều nữ sinh chọn để diện đến lớp. Trong khi hàng nghìn sinh viên khác đang nỗ lực để làm đẹp danh từ “sinh viên” thì những bạn trẻ này lại vô tình làm xấu đi hình ảnh trong sáng này. Văn hóa giảng đường của sinh viên thời gian gần đây đang dần thay đổi theo những chiều hướng khác nhau. Sinh viên năng động hơn, làm được nhiều việc có ý nghĩa hơn. Tuy nhiên, cũng có một hiện tượng đã tạo nên hình ảnh không đẹp mắt, đó là chuyện văn hóa ăn mặc tới giảng đường. Nguyên nhân dẫn đến hiện trạng trên là do nhiều em muốn phô diễn vẻ đẹp của cơ thể để trở nên nổi tiếng, a dua theo thần tượng, bạn bè, phá vỡ văn hóa truyền thống… Các em cũng nên hiểu rằng, giảng đường là nơi văn minh và lịch sự, nên trang phục mà các em mặc đến trường phải kín đáo, đứng đắn để thể hiện mình là người có học và tôn trọng người khác. Các trường học cũng nên có quy định cụ thể, rõ ràng về trang phục học đường và có hình thức phạt với các em mặc hở hang, phản cảm. Gia đình và nhà trường nên giáo dục để các em hiểu được rằng cái đẹp không thể đo đếm bằng chỉ số hình thể, độ hở hang mà bằng sự thông minh, tri thức, phong thái tự tin, tràn đầy sức sống. Đó mới chính là cái đẹp lâu bền”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét