1. Cách đây năm năm, người viết bài trở thành đề tài châm chích của bạn bè khi bỏ ra gần 3.000 USD sắm một chiếc túi xách hiệu Chanel 2.55.
Một người bạn của tôi hễ gặp người quen nào chung cũng kể: “Cô ấy bây giờ rất “sành điệu”, cô ấy mới sắm một cái túi đến 5.000 USD đấy!” (thỉnh thoảng, anh cố tình tăng giá trị chiếc túi lên như thế để làm tăng hiệu ứng của “bản tin”). Mục đích của câu chuyện, chủ yếu là mua vui, và có lẽ cũng để cho thiên hạ thấy tôi đã trở thành người phù phiếm thế nào.
Thật khó có thể bào chữa với thiên hạ về việc mình có phù phiếm hay không. Bản thân tôi chưa bao giờ dám nói với mẹ tôi về giá trị thật của chiếc túi xách. Tôi biết chắc mẹ sẽ kêu lên: “Chúng mày tiêu tiền sợ quá. Số tiền ấy nuôi được cả một gia đình ở quê”. (Bố mẹ tôi, những người hầu như không bao giờ tiêu xài cho bản thân, coi việc giúp đỡ bà con họ hàng còn khó khăn ở quê là một nghĩa vụ đương nhiên).
Lý lẽ của tôi? Một phụ nữ làm chủ cuộc sống của mình có quyền chiều chuộng bản thân mình, trong đó có việc thỉnh thoảng mua sắm những món đồ yêu thích mà mình có khả năng chi trả. Lý do khi chi tiêu vào một món đồ có giá trị là: đây là một món đồ có chất lượng cao mà mình có thể sử dụng lâu dài (có khi còn có thể tặng lại cho con cháu sau này!). Việc mua sắm một món đồ có chất lượng cao có ý nghĩa môi trường hơn là mua rất nhiều đồ mà mình chỉ dùng được một vài lần rồi bỏ đi. Một yếu tố cực kỳ quan trọng nữa là khả năng tài chính của mình có cho phép chi tiêu không.
Túi LV nhan nhản ngoài đường
2. Một buổi lê la ở Hàn Thuyên nơi có những quán cà-phê thời thượng nhất Sài Gòn, bạn có thể bắt gặp nhan nhản những chiếc túi xách Hermes, Chanel, những đôi giày Louboutin, LV, những chiếc điện thoại Vertu, Mobiado… như một chốn thượng lưu nào đó trên phim ảnh. Nỗi ám ảnh hàng hiệu xuất hiện ở Việt Nam gần đây, nhưng lan nhanh chóng hơn cả virút. Các tạp chí thời trang mới ra đời phủ đầy quảng cáo hàng đắt tiền. Những shop đồ hiệu nhan nhản trong thành phố. Hay những trang báo mạng đầy hình ảnh các nhân vật nổi tiếng trong giới giải trí trang bị hàng hiệu từ đầu đến chân. Họ tạo nên ấn tượng về phong cách nào đó không thì chưa biết, nhưng ít nhất cũng tạo một ấn tượng về sự xa xỉ. Một trong những câu chuyện hài hước trong giới show biz và cơn say hàng hiệu có lẽ là chuyện ca sĩ Đ. khi bị một “fan cuồng” giật mất chiếc khăn quàng hiệu Hermes đã kêu ầm lên: “Em trả lại cho anh chiếc khăn, khăn đắt tiền lắm!”
Liệu có phải sự chú tâm quá đáng vào những giá trị vật chất, có một phần đóng góp của giới truyền thông, đang tạo ra cho nhiều người trong xã hội một niềm tin rằng “chiếc áo làm nên thầy tu”. Rằng giá trị con người được định nghĩa bởi những gì mà người đó sở hữu. Cho nên có những cô gái trẻ nằng nặc đòi mẹ phải vay tiền mua cho mình một chiếc túi xách đắt tiền. Có những “đại gia” mà doanh nghiệp đang nợ nần chồng chất vẫn phải phô trương với thiên hạ bằng những chiếc xe hơi đắt tiền, những sự kiện mời đầy người nổi tiếng, những bữa tiệc lấp lánh đầy những người đẹp chân dài, chân đi giày Louboutin cao ngất ngưởng, tay xách những túi Hermes Birkin to tướng như túi đi chợ.
Cách chi tiêu của người Việt Nam hiện nay khiến nhiều người nước ngoài choáng váng. Jonas Francescina, một doanh nhân Thuỵ Sĩ kể, anh không thể hiểu nổi tại sao nhân viên của mình mới đi làm, mức lương thấp, lại đi những chiếc xe máy giá gần 10.000 USD, và đổi điện thoại liên tục. Một nhà báo nước ngoài cũng thấy “khó hiểu” khi thấy trên đường phố những chiếc xe Lamborghini, Porsche… khi đường phố khó có thể chạy xe với tốc độ trên 40km/h.
3. Tình huống sau đây không phải là một trong những cách lý giải cho trào lưu sử dụng hàng hiệu và đồ xa xỉ, nhưng sự liên quan, ít nhất trong chừng mực xã hội, thì có. Tôi thích đi xe đạp và từng sắm một chiếc xe loại bình thường để thỉnh thoảng đạp xe mất chừng 30 phút tới công sở, thay vì đi taxi cũng chừng đó thời gian hoặc hơn vì kẹt xe, ngập lụt. Những ngày đi xe đạp, đột xuất có những cái hẹn cà-phê hoặc ăn trưa nhà hàng. Và chính tôi đã từng nhiều lần bị nhìn với ánh mắt khinh khỉnh hoặc đuổi khéo “không giữ xe đạp” từ những người phục vụ càphê nhà hàng đó. Tôi cũng biết chắc, nếu mình bước xuống từ taxi hoặc một chiếc xe hơi hẳn nhiên sẽ được đối xử khác. Và tôi còn nghĩ, nếu mình bước xuống từ một siêu xe với lỉnh kỉnh hàng hiệu trên người, có khi còn được đích thân chủ quán ra hỏi thăm nữa cũng nên.
Nhìn rộng hơn một chút, xã hội luôn có xu hướng ưu đãi hơn cho những người giàu có hay trông có vẻ giàu có. Nhận thức này (sai hay đúng chưa bàn đến ở đây) khiến cho rất nhiều người nghĩ rằng bề ngoài, hoặc những gì mình thể hiện ra được với thiên hạ, làm nên con người họ trong con mắt xã hội. Những giá trị khác, những giá trị tinh thần và giá trị tự thân của mỗi người, lùi lại một bước trong thứ tự ưu tiên của xã hội.
Nhận thức theo xu hướng này không chỉ thịnh hành trong một nhóm người trong xã hội (ví dụ như nhóm nhà giàu mới nổi) mà còn trong suy nghĩ nhiều người, bao gồm cả trẻ em. Một sinh viên đi làm gia sư kể: “Học trò của em mới hơn mười tuổi đã kể về việc chọn bạn gái nhà giàu(!) nhà bạn có nhiều tiền ra sao. Các em lúc nào cũng nói đến chuyện tiền và có tiền. Có lẽ vì ở nhà bố mẹ các em hay nói về chuyện ấy”.
Sự yêu chuộng hàng xa xỉ và nhu cầu thể hiện không phải chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam, mà là xu hướng chung của các nước châu Á có nền kinh tế đang lên. Cách đây vài năm, khi trung tâm mua sắm xa xỉ Siam Paragon, được quảng cáo là “lớn nhất Đông Nam Á”, khai trương ở Bangkok, một phóng viên nước ngoài có một nhận xét khá gay gắt: “Thật kinh tởm khi giới đầu tư thượng lưu cứ dựng lên những trung tâm mua sắm xa xỉ như vậy trong đất nước còn rất nhiều người nghèo”. Tôi chuyển lời nhận xét đó tới nữ tổng giám đốc phụ trách Siam Pagaron và nhận được câu trả lời rất thẳng thắn: “Những người phương Tây da trắng ấy, họ cứ tự cho quyền phán xét người châu Á. Nhưng chúng tôi muốn nói với họ rằng, châu Á đang rất phát triển, Thái Lan đang rất phát triển, người châu Á có khả năng mua sắm trong những trung tâm đẹp đẽ, sang trọng hơn cả những gì mà phương Tây đã từng có”.
Châu Á đang vươn lên, người châu Á đang có cơ hội thể hiện cho thế giới biết họ không kém cạnh ai. Nhưng trong quá trình này, nhiều người có đang bối rối khi xác định giá trị bản thân hay không? Liệu khả năng chi tiêu và những gì chúng ta sở hữu có làm nên giá trị con người của mình?
Kênh truyền hình CNBC vào cuối tuần thường phát một chương trình tài chính cá nhân rất thú vị mang tên Suze Orman Show. Chủ nhân chương trình, bà Suze Orman, là một chuyên gia đầy cá tính. Bà thường đưa ra những lời khuyên rất thẳng thắn cho người xem về kế hoạch tài chính cá nhân, trong đó có việc chi tiêu và đầu tư như thế nào cho hợp lý. Phần thú vị nhất trong chương trình có lẽ là “Tôi có thể mua không?” (Can I afford it?) trong đó những khán giả truyền hình Mỹ cung cấp những thông tin cơ bản về tình hình tài chính của mình để bà Orman quyết định liệu người đó có khả năng mua sắm món đồ mà họ muốn không. Nếu các khán giả Việt Nam được tham gia chương trình này, tôi có thể hình dung cảnh bà Orman đỏ mặt tía tai hét vào màn hình:
- Từ chối! Cô bị từ chối!!! Cô năm nay 28 tuổi, đang ở chung nhà với bố mẹ cô, cô không có một đồng tiền tiết kiệm nào, cô đang nợ thẻ tín dụng hơn 40 triệu, lương của cô có 10 triệu một tháng, không đủ cho chi tiêu hàng tháng, vậy mà cô muốn mua một chiếc túi xách Chloé giá 40 triệu! Bằng tiền mẹ cô đi vay! Từ chối! cô hoàn toàn bị từ chối!!!”
Cuối cũng, quay trở lại chuyện cái túi Chanel mà tôi đã mua. Tôi chắc chắn là người biết rõ mình nhất, từ khả năng đến nhu cầu và sở thích. Tôi có một lời nhắn nhủ đến người bạn, rằng tôi rất thích chiếc túi mình mua và xin đừng dùng nó để nói với mọi người rằng tôi là người phù phiếm!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét